Một doanh nhân đúng nghĩa phải là một người cùng với doanh nghiệp đáp ứng những nhu cầu của cộng đồng, xã hội. Trước tiên, họ phải là người thấu hiểu được xã hội, rồi từ đó nhìn nhận ra những “nỗi đau”, những vấn đề cần được giải quyết, sau đó mới tạo ra những sản phẩm/ dịch vụ để phục vụ vấn đề đó. Muốn thực hiện những khát khao, đam mê của mình, họ phải chấp nhận những rủi ro rất lớn.
Doanh nhân là gì?
Doanh nhân là những người tiến hành các hoạt động kinh doanh, giải quyết những vấn đề cho người khác với mục đích tạo ra lợi nhuận, phát triển doanh nghiệp bền vững, đồng thời phụng sự xã hội. Bắt đầu từ việc thấu hiểu, nhìn nhận những vấn đề cần giải quyết trong xã hội, từ đó sáng tạo ra những giải pháp hữu ích, biến giải pháp thành sản phẩm/ dịch vụ, đưa chúng vào cuộc sống nhằm thúc đẩy xã hội đi lên.
Họ đại diện cho một tổ chức, công ty, tập đoàn, đưa ra những quyết định quan trọng mang tính sống còn đối với sự thành bại trong kinh doanh. Một doanh nhân xuất sắc phải chịu trách nhiệm về sự thịnh vượng của một doanh nghiệp, là những người kiếm tiền bằng cách cung cấp các sản phẩm/ dịch vụ có giá trị cho người dùng và không gây hại đến ai. Họ phải biết chấp nhận những rủi ro, đồng thời sở hữu những tố chất, kỹ năng, niềm đam mê, sự tự tin và khả năng thích ứng tốt.
Ai là doanh nhân?
Doanh nhân có thể hoạt động trong các ngành công nghiệp khác nhau và quy mô kinh doanh khác nhau. Doanh nhân Việt Nam gồm 5 nhóm chính:
- Những người điều hành, quản lý hoặc sở hữu các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
- Những người quản lý, điều hành, làm nghiệp vụ kinh doanh trong các doanh nghiệp nhà nước;
- Những người quản lý, điều hành, làm nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
- Những người làm chủ trong các trang trại, hợp tác xã, cơ sở kinh tế phi nông nghiệp và các hộ gia đình nông dân hoạt động sản xuất kinh doanh có đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
- Những doanh nhân gốc Việt (mang quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước sở tại) điều hành, quản lý, sở hữu hoặc làm nghiệp vụ kinh doanh ở nước ngoài.
Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong thế giới công nghiệp, do số lượng các công ty hiện có với ý tưởng kinh doanh tương tự xuất hiện dày đặc trên thị trường. Tuy nhiên, nếu những ý tưởng đủ táo bạo và giải quyết được những vấn đề hiện tại của xã hội, cơ hội thành công vẫn rất cao.
Doanh nhân được xem là một từ cao quý và rất đẹp, nếu không có văn hóa, kiếm tiền mà làm hại người khác, lừa gạt nhằm trục lợi về phía mình thì đó không phải là doanh nhân. Nói một cách đơn giản, doanh nhân chỉ những người kiếm tiền bằng cách “mang lại” mà không “gây ra”.
Vai trò của doanh nhân trong nền kinh tế hiện đại
Trong kinh tế
Trong một nền kinh tế năng động như hiện nay, doanh nhân càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc phát triển và đưa kinh tế của Việt Nam sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân là lực lượng huy động các nguồn lực nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa/ dịch vụ cho xã hội, xuất khẩu ra nước ngoài. Đồng thời khởi tạo ra những ý tưởng, công nghệ và mô hình kinh doanh mới, tạo ra sự thay đổi lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế của đất nước.
Trong xã hội
Trong thời kỳ đổi mới, các doanh nhân đã có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành cơ cấu và quan hệ xã hội mới, những hệ giá trị, lối sống phù hợp với điều kiện công nghệ hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Họ là đội ngũ góp phần hình thành một lối sống tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, đương đầu với mọi khó khăn. Đồng thời tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chính sách và bảo đảm an sinh xã hội.
Doanh nhân còn có vai trò không nhỏ trong việc đóng thuế và nguồn lực tài chính của quốc gia. Bằng những sản phẩm chất lượng, kinh doanh minh bạch và lành mạnh, họ giúp thúc đẩy, xây dựng một xã hội đoàn kết, đồng thuận, công bằng, an sinh, văn minh.
Trong chính trị
Một lực lượng doanh nhân Việt Nam hiện nay đang tham gia tích cực vào các tổ chức chính trị, một số người trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, điều này góp phần quan trọng trong việc góp ý, phản biện, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hầu hết những doanh nhân tham gia vào chính trị đều phát huy rất tốt kinh nghiệm, trí tuệ của mình trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Kinh nghiệm thương trường tạo ra những góc nhìn khách quan, những nhận định và lời khuyên có giá trị thực tế.
Có thể thấy rằng, trong tiến trình đổi mới, doanh nhân là một trong những lực lượng cơ bản tham gia vào công cuộc xây dựng, quyết định, thực hiện các chính sách phát triển xã hội.
Yếu tố nào làm nên một doanh nhân thành đạt?
“Thế hệ doanh nhân “mới” sẽ có những đặc tính khác với thế hệ doanh nhân “cũ”. Thế hệ doanh nhân mới là thế hệ của một nền kinh thương mới và chính thế hệ này cũng góp phần tạo nên nền kinh thương mới” – Nhà hoạt động Giáo dục, TS. Giản Tư Trung.
Theo ông, cần có 3 yếu tố cốt lõi để làm nên một doanh nhân thành đạt:
Khát vọng mới
Làm doanh nhân phải có khát vọng tranh đua mạnh mẽ cùng với thế giới, cho dù doanh nghiệp thuộc quy mô lớn hay nhỏ, đang đua tranh ở bên ngoài đất nước hay với thế giới ngay chính trong đất nước của mình.
Khát vọng mới ấy còn là khát vọng xây dựng những hình ảnh đẹp, có nhiều tác động tích cực cho xã hội trong mắt cộng đồng doanh nhân và bạn bè quốc tế. Dẹp bỏ những nhem nhuốc, xấu xí mà một vài thành phần “trọc phú, con buôn” đã hình thành nên trong xã hội.
Năng lực mới
Doanh nhân phải có năng lực quản lý và lãnh đạo mới để có thể thực hiện những khát vọng mới ở trên. Họ phải là những người có tầm nhìn xa trông rộng, nhìn thấy cơ hội ở trên khắp thế giới chứ không phải chỉ loanh quanh trong nước. Song song đó, doanh nhân cũng phải có chí hướng, sống đàng hoàng, làm việc hiệu quả với những con người mới, đủ màu da, quốc tịch, chủng tộc, tôn giáo,…
Văn hóa mới
Và cuối cùng, một nền văn hóa mới, đây là nền tảng văn hóa cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, cho nền kinh thương Việt Nam. Nếu có khát vọng, có năng lực với một tầm nhìn xa trông rộng mà thiếu đi yếu tố này, thì có thể sẽ có thành công nhưng nó không bền vững. Bởi không dựa trên một nền văn hóa vững chắc, doanh nghiệp chỉ cần vấp phải những sai sót nhỏ cũng sẽ dễ dàng bị sụp đổ.
Đặc điểm của một người doanh nhân xuất sắc
- Kỹ năng lãnh đạo
- Kể những câu chuyện tuyệt vời
- Dám đánh liều
- Sáng tạo, luôn đổi mới
- Tự lực
- Đam mê
- Không đứng yên
Kỹ năng lãnh đạo
Một trong những đặc điểm dễ thấy và cũng quan trọng nhất của một doanh nhân đó chính là kỹ năng lãnh đạo. Kỹ năng này giúp họ đảm bảo rằng, đội ngũ nhân viên sẽ tin tưởng vào các quyết định, chiến lược, tầm nhìn sứ mệnh của mình, từ đó hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao phó.
Song đó, kỹ năng lãnh đạo cũng giúp doanh nhân đưa ra những quyết định quan trọng một cách nhanh chóng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Là người chịu trách nhiệm cuối cùng về thành bại của doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần biết nhìn nhận ra những cơ hội, thách thức phía trước để chớp lấy thời cơ, có kế hoạch dự phòng cho những rủi ro nhằm điều hướng tổ chức phát triển.
Kể những câu chuyện tuyệt vời
Doanh nhân là những người có khả năng giao tiếp xuất sắc, họ biết kể những câu chuyện tuyệt vời để đạt được nhiều lợi thế trong môi trường kinh doanh cạnh tranh như hiện nay. Cùng với kỹ năng giao tiếp, doanh nhân có thể truyền tải những thông điệp, cảm hứng, tạo sự kết nối với người nghe, khiến cho thông điệp ấy trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.
Họ cũng có thể chia sẻ những câu chuyện về thử thách, thăng trầm, thất bại hoặc những thành công của mình, từ đó truyền cảm hứng, kinh nghiệm, bài học quý báu cho các thế hệ tiếp theo.
Dám “đánh liều”
Doanh nhân phải là “những người liều lĩnh”, họ cần học cách chấp nhận mọi rủi ro, thiệt hại thì mới tự mình trải nghiệm được những bài học quý giá, rút kinh nghiệm để điều khiển doanh nghiệp hướng tới thành công. Điều này bao gồm những rủi ro đã được tính toán trước.
Nếu có đứng mãi trong vùng an toàn, doanh nhân sẽ không bao giờ đưa doanh nghiệp tranh đua trên thị trường, đặt biệt là một thị trường kinh doanh ngày càng bão hòa như hiện nay.
Sáng tạo, luôn đổi mới
Một doanh nhân phải có tinh thần sáng tạo và linh hoạt đổi mới để đáp ứng những yêu cầu, kỳ vọng cao hơn của thị trường. Sáng tạo là khả năng xác định những cơ hội thông qua việc phát triển các ý tưởng mới và độc đáo, cũng như những giải pháp mới cho các vấn đề.
Giữa một thị trường chuyển động liên tục và các đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường ngày càng đông như hiện nay, sáng tạo và đổi mới không chỉ là đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thị trường, mà còn là những “điểm sáng” giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.
Tự lực
Là doanh nhân, một người cần phải luôn tự thúc đẩy và tạo động lực cho bản thân. Trong kinh doanh, doanh nhân đôi lúc sẽ rất cô đơn vì những lựa chọn, quyết định của mình. Tinh thần tự lực cánh sinh giúp doanh nhân tạo ra nguồn động lực to lớn, đam mê say sưa với lý tưởng của mình và luôn duy trì một tư duy tích cực.
Đam mê
Một niềm đam mê vô song với tổ chức, doanh nghiệp, những sản phẩm/ dịch vụ và đội ngũ nhân viên của mình giúp doanh nhân có nhiều nỗ lực hơn để tiến về phía trước. Khi đam mê với những gì mình làm, họ sẽ có một nguồn động lực tự nhiên để vượt qua khó khăn, biết tìm tòi học hỏi và phát triển.
Trong một đoạn trích phát biểu của doanh nhân huyền thoại Steve Jobs trong một buổi lễ tốt nghiệp tại ĐH Stanford, ông từng nói: “Tôi hiểu ra rằng điều duy nhất khích lệ tôi tiếp tục chính là vì tôi yêu thích công việc tôi đang làm… Và chỉ có một cách để bạn làm việc tốt nhất là yêu thích những gì bạn làm…”.
Không đứng yên
Bất kỳ doanh nhân thành công nào cũng đòi hỏi sự nhạy bén, nhanh nhẹn trong kinh doanh. Với khả năng học hỏi, thích ứng với các phương pháp, quy trình, công nghệ mới nhanh chóng có thể giúp doanh nhân đưa doanh nghiệp của mình phát triển và lớn mạnh hơn.
Nhu cầu thị trường luôn năng động, cả thế giới kinh doanh liên tục chuyển biến, yêu cầu, kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao hơn. Do đó, những gì đã hiệu quả trong vài năm trước, thậm chí là vài tháng trước có thể sẽ không còn hiệu quả ở thời điểm hiện tại và tương lai nữa.
Làm thế nào để trở thành doanh nhân?
- Giáo dục
- Tìm thấy niềm đam mê
- Lấy động lực làm nền tảng
- Lập kế hoạch
- Hãy hành động
Giáo dục
Mặc dù bằng cấp hoặc các chương trình giáo dục đại học về kinh doanh vẫn chưa đủ để làm nên một doanh nhân thành đạt, nhưng có một nền tảng về giáo dục vẫn rất cần thiết, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết để hiểu và vận hành các khía cạnh kinh doanh. Nền tảng giáo dục cung cấp kiến thức chuyên môn về quản lý, tài chính, Marketing, kế toán, các lĩnh vực liên quan.
Tìm thấy niềm đam mê
Để trở thành doanh nhân, điều tiên quyết phải có đó là một niềm đam mê vô song. Chúng ta có nhiều khả năng để phát triển và thành công hơn nếu được làm những việc mà bản thân yêu thích. Đam mê tạo nên những ý tưởng kinh doanh tuyệt vời và các doanh nhân có thể tìm thấy được một thị trường màu mỡ chưa được khai thác.
Lấy động lực làm nền tảng
Tìm kiếm động lực bên trong với tư cách là một doanh nhân thành công. Đó là thứ thúc đẩy mỗi người hướng tới mục tiêu và tăng thêm niềm đam mê với lý tưởng của mình. Động lực bên trong cũng giúp xây dựng sự kiên trì và quyết tâm trong bản thân mỗi người, đảm bảo vượt qua những trở ngại và thách thức của tinh thần kinh doanh.
Lập kế hoạch
Đừng bắt tay vào khởi nghiệp ngay khi xác định được niềm đam mê. Hãy xây dựng một kế hoạch chỉn chu trước khi mạo hiểm tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Một kế hoạch được cân nhắc kỹ lưỡng cho phép mỗi người làm quen với các khía cạnh quan trọng trong kinh doanh, bao gồm tài chính, tăng trưởng, nguồn lực,…
Tạo một kế hoạch kinh doanh chi tiết giúp vạch ra chiến lược, mục tiêu, cần đảm bảo nó dễ hiểu và bao gồm mọi thứ cần thiết để bắt đầu cho công việc kinh doanh của mình.
Hãy hành động
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ cả về những kế hoạch, chiến lược và một tinh thần mạnh mẽ, hãy bắt tay vào thực hiện. Luôn cam kết với kế hoạch, thực hiện những thay đổi và cập nhật khi cần thiết.
Hãy nhớ rằng, thành công không đến chỉ sau một đêm mà nó đòi hỏi một sự đầu tư bền vững. Ngoài ra, hãy tìm kiếm thêm động lực từ những người thành công trong lĩnh vực kinh doanh của mình, đồng thời tiếp tục phát triển bản thân để thúc đẩy sự tập trung và kiên trì của bản thân.
Doanh nhân phải là những người giỏi kiếm tiền nhưng không làm hại đến ai, không lừa gạt ai, sản phẩm/ dịch vụ của họ phải mang lại giá trị cho người tiêu dùng, cộng đồng. Như Henry Ford – một doanh nhân người Mỹ có ảnh hưởng nhất mọi thời đại đã rút ra bài học dành cho những người kế nhiệm: “Một cuộc kinh doanh không mang lại gì cho xã hội mà chỉ kiếm được tiền là một cuộc kinh doanh tồi tệ“.
Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh Nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
>> Xem thêm: Các chương trình đào tạo dành cho Doanh nhân tại Trường Doanh Nhân PACE