Cách viết thư xin việc dành cho ứng viên ngành Nhà hàng – Khách sạn trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn “ghi điểm” với nhà tuyển dụng về sự chuyên nghiệp, mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn với vị trí mà mình đang ứng tuyển.
Thư xin việc (Cover letter) được xem như “chiếc cầu nối” đầu tiên giữa bạn và nhà tuyển dụng, đó cũng là cơ sở để họ biết có nên chọn bạn vào vòng tuyển dụng tiếp theo hay không. Ngành Nhà hàng – Khách sạn là một trong những ngành rất hot hiện nay. Do đó, số lượng ứng viên ứng tuyển vào các nhà hàng, khách sạn rất nhiều, sự cạnh tranh giữa các ứng viên cũng sẽ cao hơn. Để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng, tạo ấn tượng về sự chuyên nghiệp, bạn cần có sự đầu tư ngay từ khâu gửi thư xin việc bởi vì qua được vòng này, bạn mới có cơ hội tham gia buổi phỏng vấn trực tiếp. Nếu biết cách viết thư xin việc, bạn sẽ dễ dàng “lọt vào mắt xanh” của nhà tuyển dụng, cơ hội được chọn cũng nhiều hơn.
Thư xin việc là “cầu nối” đầu tiên giữa bạn và nhà tuyển dụng – Ảnh: Internet
Những cách viết thư xin việc dành cho ứng viên ngành Nhà hàng – Khách sạn:
1. Mở đầu thư xin việc một cách ấn tượng
Một mở đầu ấn tượng đương nhiên sẽ khiến nhà tuyển dụng có thiện cảm với bạn hơn. Trong các bản tin tuyển dụng thường sẽ có phần hồ sơ gửi về địa chỉ một người làm trong bộ phận nhân sự, vì vậy, trong phần mở đầu mục “Kính gửi…”, bạn nên ghi hẳn tên người sẽ tiếp nhận thư xin việc của mình. Điều này thể hiện bạn là người rất quan tâm đến tin tuyển dụng và khiến người nhận thư hài lòng hơn. Trong trường hợp bạn không biết hoặc không rõ nên gửi đến ai, bạn có thể viết: “Kính gửi bộ phận nhân sự, khách sạn...”.
2. Bố cục thư xin việc rõ ràng
Thư xin việc không có nghĩa là bạn tùy ý viết, muốn trình bày gì cũng được mà cần phải có bố cục rõ ràng, riêng biệt, mỗi mục thể hiện một ý chính. Một mẫu thư xin việc chuẩn bao gồm 3 phần chính:
- Giới thiệu: Nêu rõ thông tin người nhận, người gửi thư, lí do vì sao bạn ứng tuyển công việc đó. Đoạn này không cần phải quá dài dòng, nhưng phải thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được mục tiêu của bạn.
- Nội dung chính: Trong phần nội dung chính này, bạn cần nêu được những kinh nghiệm và chứng minh nó phù hợp với vị trí đang ứng tuyển. Ví dụ, bạn đang ứng tuyển vị trí Quản lý nhà hàng, hãy nói về kinh nghiệm có liên quan như: Từng làm Trợ lý quản lý nhà hàng X, từng làm Giám sát tại nhà hàng A… Bên cạnh đó, bạn cũng cần đề cập chi tiết hơn về kiến thức chuyên môn của bạn có thể đáp ứng những nền tảng cơ bản cho việc làm. Với ứng viên ngành Nhà hàng – Khách sạn, những thông tin như tốt nghiệp ngành Quản trị Nhà hàng – Khách sạn từ các trường ĐH, CĐ hoặc tốt nghiệp các khóa học Quản trị Nhà hàng – Khách sạn, khóa học nấu ăn… từ các trường dạy nghề là một lợi thế rất lớn.
Trong phần kinh nghiệm, hãy đề cập đến những kinh nghiệm,
bằng cấp chuyên môn liên quan đến công việc đang ứng tuyển
Trong phần này, bạn không nên sao chép những ý trong CV, thay vào đó hãy mở rộng và giải thích nhiều hơn về kinh nghiệm của mình, cho thấy sự nhiệt tình và tinh thần yêu thích công việc đang ứng tuyển của bạn.
- Kết thúc: Ở phần cuối thư, đừng quên nói lời cảm ơn một cách lịch sự, trân trọng. Đồng thời, hãy nhấn mạnh mong muốn được làm việc của bạn bằng những câu như: “Tôi rất trông đợi phản hồi của công ty”, “Tôi rất mong được trình bày chi tiết hơn về các kĩ năng và kinh nghiệm của mình trong buổi phỏng vấn với quý công ty”…
3. Kết hợp chặt chẽ các từ khóa
Xuyên suốt thư xin việc, bạn nên linh động sử dụng những từ ngữ và cụm từ nhất định trong tin tuyển dụng để lá thư của bạn trở nên chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn, nếu nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những ứng viên có khả năng làm việc nhóm, chăm chỉ, có kinh nghiệm làm việc trong ngành Nhà hàng – Khách sạn, bạn có thể sử dụng những từ khóa này vào thư xin việc của bạn để gây sự chú ý.
4. Lưu ý về hình thức thư xin việc
Không chỉ chú trọng nội dung, lưu ý đến hình thức của thư xin việc cũng là cách viết thư xin việc bạn nên tham khảo. Thư xin việc không nên quá dài, viết một cách súc tích, dễ đọc, dễ hiểu và nổi bật các ý chính. Hãy đọc lại thư xin việc thật kỹ để rà soát các lỗi chính tả, lỗi dùng từ đặt câu.
Thư chuyên nghiệp chỉn chu, chuyên nghiệp sẽ giúp bạn “ghi điểm” với nhà tuyển dụng – Ảnh: Internet
Với những ứng viên gửi thư xin việc bằng tiếng Anh, bạn nên nhờ một ai đó thành thạo tiếng Anh để kiểm tra lại, đảm bảo thư xin việc của bạn không sai ngữ pháp, từ vựng…
Thư xin việc đánh máy cần được chỉnh phông chữ, giãn chữ một cách rõ ràng, sử dụng một loại phông chữ và các định dãng chữ (in hoa, in nghiêng, in đậm…) để phân biệt tiêu đề chính và tiêu đề phụ.
Khi gửi những mẫu thư xin việc qua email, bạn nên đặt tiêu đề mail với đầy đủ thông tin: Hồ sơ xin việc – Họ tên – Vị trí ứng tuyển – Ngày tháng (VD: Hồ sơ xin việc – Nguyễn Thị A – Nhân viên Phụ bếp – 1411). Đừng bao giờ chỉ gửi trống không thư xin việc và CV cho nhà tuyển dụng mà kèm theo một dòng nào ở nội dung mail. Phần nội dung mail cần có Kính gửi + tên người sẽ nhận thư hoặc Bộ phận nhân sự, nói sơ qua cơ duyên của bạn với công việc ứng tuyển, nói sơ qua kinh nghiệm như nào liên quan đến công việc ứng tuyển và gợi mở nhà tuyển dụng đọc thư của bạn. Cuối nội dung mail phải có Cảm ơn.
Đó là một số cách viết thư xin việc dành cho ứng viên ngành Nhà hàng – Khách sạn mà bạn nên tham khảo. Hy vọng rằng, bạn sẽ hoàn chỉnh được một thư xin việc ấn tượng để chinh phục công việc mà mình yêu thích.